Có nên bãi bỏ điều kiện đối với ngành nghề mua bán nợ?

Nội dung bài viết

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bãi bỏ 22 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó có ngành kinh doanh mua bán nợ.

Lý do để bãi bỏ, theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, là:

Về bản chất, mua bán nợ là giao dịch trong đó có một khoản nợ (cùng với các quyền và nghĩa vụ gắn với khoản nợ đó) được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. “Nợ” – đối tượng của giao dịch này – bao gồm có thể là bất kỳ khoản nợ nào hình thành trong các giao dịch dân sự, thương mại bình thường (các khoản nợ có tính nhạy cảm, của một nhóm đối tượng đặc thù đã thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản khác). Chủ thể của giao dịch mua bán nợ có thể là bất kỳ chủ thể kinh doanh nào (trừ các chủ thể chuyên nghiệp như các tổ chức tín dụng, các công ty chứng khoán…đã được kiểm soát bằng các văn bản pháp luật khác).

Dịch vụ mua bán nợ chỉ là dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy các giao dịch mua bán nợ nói trên. Kết quả của giao dịch mua bán nợ không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ hay khoản nợ mà chỉ thay đổi chủ thể thực hiện nghĩa vụ đó.

Như vậy, việc thực hiện giao dịch mua bán nợ cũng như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chỉ liên quan tới các chủ thể tham gia; không phù hợp với mục đích quy định tại khoản 1, Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014.

Hơn nữa, theo quy định của pháp luật dân sự, “nợ” được xem là một loại hàng hóa, được giao dịch trên thị trường (những khoản nợ “đặc thù”, “nhiều nguy cơ” – ví dụ các khoản nợ xấu của các ngân hàng, các tổng công ty nhất định… – đã được điều chỉnh bởi các văn bản riêng). Hệ thống pháp luật về dân sự, thương mại liên quan tới hoạt động mua bán hiện tại đã đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh giao dịch mua bán nợ cũng như các giao dịch hỗ trợ mua bán nợ.

Về nội dung này, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có bài trả lời phỏng vấn báo Đấu thầu, mời các bạn xem nội dung bài phỏng vấn.

-Theo anh, đề xuất bãi bỏ này có phù hợp không? Tại sao?

Trả lời:

Đề xuất này được đưa ra là phù hợp với quy định của pháp luật. Vì:

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014, cơ sở để các nhà làm luật quy định về điều kiện kinh doanh đối với một ngành nghề cụ thể là “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.

Như vậy, theo quy định này Nhà nước chỉ kiểm soát thông qua các điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề (toàn bộ hoặc một phần các hoạt động trong ngành nghề) mà hoạt động của chúng có thể ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng ở mức đáng kể.

Trong khi đó, hoạt động mua bán nợ và dịch vụ mua bán nợ lại không ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng.

Hiện nay, chưa có một lập luận, quan điểm rõ ràng, thuyết phục nào liên hệ giữa hoạt động kinh doanh này với những mục tiêu công cộng cần phải bảo vệ thông qua các điều kiện kinh doanh.

Thứ hai, điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được quy định tại Nghị định số 69/2016/NĐ-CP đang là rào cản lớn, thậm chí đánh đố các doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường này.

Ban soạn thảo cần xem xét, đánh giá sự cần thiết của quy định này theo hướng nên coi hoạt động mua bán nợ là một giao dịch dân sự thông thường không phải là một ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do đó, đề nghị xem xét bỏ “kinh doanh dịch vụ mua bán nợ” ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Luật đầu tư năm 2014.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý thêm rằng ngành nghề luật đầu tư hiện tại đang quy định áp dụng điều kiện kinh doanh là “Dịch vụ mua bán nợ”, chứ không phải hoạt động mua bán nợ.

Dịch vụ mua bán nợ ở đây có thể hiểu là những hoạt động mang tính hỗ trợ, thúc đẩy và tăng hiệu quả của các hoạt động mua bán nợ, cụ thể có thể dưới các hình thức: dịch vụ môi giới mua bán nợ, dịch vụ sàn giao dịch mua bán nợ và dịch vụ tư vấn mua bán nợ…

Bản thân các dịch vụ này chỉ giúp hỗ trợ cho giao dịch mua bán nợ, và khi giao dịch mua bán nợ không ảnh hưởng gì tới lợi ích công cộng thì các dịch vụ hỗ trợ giao dịch mua bán nợ cũng không có khả năng tác động tới các lợi ích công cộng.

Vì vậy, việc coi ngành nghề dịch vụ mua bán nợ là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện dường như là chưa phù hợp với Luật đầu tư.

Theo quan điểm của tôi, việc điều kiện kinh doanh ngành nghề này được bãi bỏ cũng phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

-Hiện số lượng doanh nghiệp mua bán nợ hoạt động trên thị trường vẫn còn ít, theo anh, việc bãi bỏ điều kiện kinh doanh có thể giúp thị trường này phát triển mạnh mẽ hợn trong thời gian tới không?

Trả lời:

Vai trò của những điều kiện kinh doanh khi áp dụng cho một ngành nghề cụ thể là để hạn chế các chủ thể tham gia kinh doanh trong ngành nghề đó.

Theo đó, về nguyên tắc, chỉ có những chủ thể đáp ứng được các điều kiện luật định này mới được gia nhập thị trường, thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến ngành nghề này.

Chính vì vậy, việc gỡ bỏ những điều kiện đối với ngành nghề dịch vụ mua bán nợ cũng có thể hiểu là tạo điều kiện cho các chủ thể có thể tham gia thị trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ thời gian tới.

– Để thị trường mua bán nợ phát triển tốt với những doanh nghiệp có chất lượng, theo anh, cần thêm những giải pháp gì?

Trả lời:

Việc ban hành một hành lang pháp lý thông thoáng, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là điều kiện cần để có những doanh nghiệp có chất lượng.

Điều kiện đủ để có những doanh nghiệp tốt, góp phần xử lý hiệu quả nợ xấu, theo quan điểm cuả tôi hiện nay, đó là thị trường này còn có ít doanh nghiệp tham gia, với một thị trường nhiều tiềm năng, sự thành lập của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này, qua quá trình sàng lọc, sẽ hình thành và định hình lên các doanh nghiệp có uy tín và chất lượng.

Về khía cạnh quản lý nhà nước, nếu điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được gỡ bỏ, vai trò tham gia quản lý nhà nước đối với thị trường mua bán nợ cũng phần nào sẽ giảm bớt, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, để thị trường mua bán nợ phát triển, bản thân phía doanh nghiệp trước hết cần đề cao vai trò, tập trung hoàn thiện yếu tố quản trị nội bộ, minh bạch hóa trong hoạt động và thu hút được nhiều nguồn lực của xã hội.

Việc mở cửa thị trường cho những doanh nghiệp có kinh nghiệm của nước ngoài tham gia cũng là một giải pháp cần tính tới để có nhiều doanh nghiệp chất lượng.

Cuối cùng, bản thân nhà đầu tư sẽ là người quyết định trong việc xây dựng doanh nghiệp có chất lượng,doanh nghiệp khi hoạt động cần đặc biệt lưu ý về việc áp dụng công nghệ, học kinh nghiệm nước ngoài trong vấn đề thẩm định khoản nợ, nghiên cứu các cơ chế phối hợp xử lý nợ, đặc biệt là các khoản nợ xấu với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, công ty mua bán nợ khác.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan