Bảo hộ nhãn hiệu và tên thương mại – Khi luật không thống nhất

Nội dung bài viết

Khi sáp nhập địa giới hành chính của toàn bộ tỉnh Hà Tây cũ vào Hà Nội, theo thông tin từ Phòng đăng ký kinh doanh, hiện tại có 772 doanh nghiệp trùng tên, vậy căn nguyên của vấn đề này là gì và hướng giải quyết sẽ ra sao đang là một vấn đề làm đau đầu các doanh nghiệp và cơ quan quản lý kinh doanh.

Tên thương mại là một đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp theo luật sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, đây cũng lại là một đối tượng gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong vấn đề bảo hộ do hệ thống pháp luật chồng chéo cũng như sự nhầm lẫn giữa đối tượng này với nhãn hiệu.

Hiện nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp nhầm lẫn tên thương mại và nhãn hiệu là một, nhưng thực ra đây là hai đối tượng khác nhau của quyền sở hữu công nghiệp, với các đặc điểm và quy định về bảo hộ hoàn toàn khác nhau.

Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Khu vực kinh doanh ở đây có thể được hiểu là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng. Như vậy, khi thành lập một doanh nghiệp, người thành lập phải đặt tên và sử dụng tên đó để đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước (Sở kế hoạch đầu tư, cơ quan thuế) để có thể tiến hành hoạt động kinh doanh. Trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp sẽ dùng tên thương mại để giao dịch nhằm phân biệt doanh nghiệp của mình với doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, tên thương mại thường là tên doanh nghiệp, và khi đó sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về tên doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong khi đó, Nhãn hiệu là những dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hóa có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Một doanh nghiệp có thể sản xuất nhiều loại sản phầm hoặc có thể kinh doanh nhiều dịch vụ, như thế một doanh nghiệp có thể có nhiều nhãn hiệu hàng hóa.

Ngoài ra, có thể phân biệt tên thương mại và nhãn hiệu thông qua các tiêu chí như: chức năng (để phân biệt các doanh nghiệp hay hàng hóa, dịch vụ cùng loại); phạm vi bảo hộ (trên một địa bàn, lĩnh vực nhất định hay trên toàn quốc); thành phần cấu tạo (chỉ có từ ngữ, số đọc được hay có thể kết hợp đường nét, hình ảnh, màu sắc)…

Theo pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện nay, quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại sẽ được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó mà không cần phải đăng ký với cơ quan sở hữu trí tuệ như đối với nhãn hiệu và chỉ dấn địa lý. Và cũng theo đó, tên thương mại sẽ được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Khả năng phân biệt sẽ được đáp ứng nếu tên thương mại đó: chứa thành phần tên riêng (trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng); không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh; không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng. Với những đặc điểm như, tên thương mại mà một doanh nghiệp sử dụng thông thường cũng là tên doanh nghiệp đó đăng ký theo thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Sở kế hoạch đầu tư địa phương. Nhưng cũng chính từ đây mà vấn đề bảo hộ tên thương mại trở nên khó khăn do có sự điều chỉnh của hai luật chuyên ngành: đó là Luật sở hữu trí tuệ và Luật doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp quy định: “Tên của doanh nghiệp phải bảo đảm yếu tố kỹ thuật, không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký kinh doanh; phải viết rõ loại hình doanh nghiệp: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần…”. Yếu tố trùng và gây nhầm lẫn cũng được quy định như sau (Điều 34 Luật Doanh Nghiệp):

“….1. Tên trùng là tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.

2. Các trường hợp sau đây được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký:

a) Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký;

b) Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu “&”;

c) Tên viết tắt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;

d) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;

đ) Tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái tiếng Việt ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó, trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là công ty con của doanh nghiệp đã đăng ký;

e) Tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;

g) Tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bằng các từ “miền bắc”, “miền nam”, “miền trung”, “miền tây”, “miền đông” hoặc các từ có ý nghĩa tương tự, trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là công ty con của doanh nghiệp đã đăng ký.

….”

Quy định như vậy khiến cho các doanh nghiệp khác nhau khi thành lập sử dụng cùng một tên riêng và chỉ cần khác loại hình là vẫn có thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc cùng loại hình nhưng không rơi vào các yếu tố loại trừ nêu trên thì vẫn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, cơ quan đăng ký kinh doanh không có hệ thống dữ liệu của cơ quan sở hữu trí tuệ, vì vậy, đã cấp rất nhiều tên doanh nghiệp có yếu tố trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, lại không vi phạm quy định của Luật doanh nghiệp về tên công ty.

Mặt khác, phạm vi bảo hộ nhãn hiệu là trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên, phạm vi bảo hộ của tên thương mại lại chỉ giới hạn trên phạm vi địa phương, vì vậy, có rất nhiều trường hợp cụ thể xảy ra là có hai doanh nghiệp trùng tên hoàn toàn nhau ở hai địa phương khác nhau, một doanh nghiệp đã “nhanh tay” đăng ký nhãn hiệu là một phần tên doanh nghiệp trước doanh nghiệp kia, và theo quy định, doanh nghiệp đã có nhãn hiệu được quyền sử dụng độc quyền nhãn hiệu đó trên phạm vi toàn quốc, vì vậy, doanh nghiệp có tên thương mại bị trùng sẽ có khả năng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Nhưng vấn đề đặt ra là doanh nghiệp chưa đăng ký nhãn hiệu lại được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tên doanh nghiệp hoàn toàn phù hợp với luật doanh nghiệp. Vì vậy, có thể xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp được không? và doanh nghiệp đã sở hữu nhãn hiệu có quyền yêu cầu cơ quan chức năng sửa đổi tên doanh nghiệp được không?

Câu trả lời chắc chắn là không, vì pháp luật hiện hành không quy định biện pháp bắt buộc sửa đổi tên doanh nghiệp mà bản thân tên doanh nghiệp đó đã được cấp đúng. Vấn đề này cũng đang làm đau đầu các cơ quan chức năng hiện nay khi sáp nhập địa giới hành chính của toàn bộ tỉnh Hà Tây cũ vào Hà Nội, theo thông tin từ Phòng đăng ký kinh doanh, hiện tại có 772 doanh nghiệp trùng tên, vậy giải pháp nào xử lý các vấn đề nêu trên đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Ngoài ra, theo quy định của Luật đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài cũng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư được cấp bởi UBND cấp tỉnh và các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, điều này cũng dấn tới việc trùng tên giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Và gần đây nhất, khi pháp luật doanh nghiệp quy định việc đặt tên doanh nghiệp không được trùng hay gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thì các doanh nghiệp sẽ vẫn gặp khó khăn trong trường hợp mở rộng phạm vi hoạt động ra các tỉnh ngoài.

Trên đây là hậu quả của sự mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật khác nhau, giữa luật sở hữu trí tuệ, luật doanh nghiệp và luật đầu tư. Các nhà làm luật nên sớm sửa đổi các văn bản có liên quan để việc trùng tên doanh nghiệp được ngăn chặn trên phạm vi quốc gia, từ đó tạo thuận lợi cho việc các doanh nghiệp phát triển tên thương mại và nhãn hiệu của mình trên cơ sở tên doanh nghiệp đã đăng ký. Trong lúc chờ đợi một sự thay đổi lớn trong các quy định của pháp luật, các doanh nghiệp nên có ý thức tự bảo vệ mình trong việc xây dựng tên thương mại bằng cách sử dụng các phương tiện tìm kiếm để xác định việc quyết định xây dựng tên thương mại đó liệu có phù hợp; liệu có rủi ro khi trùng với tên doanh nghiệp, tên thương mại hay thậm chí là tên miền của một chủ thể kinh doanh khác hay không… Và điều này nên được thực hiện ngay khi doanh nghiệp quyết định thành lập và đi vào hoạt động, ngay từ trong việc lựa chọn tên doanh nghiệp phù hợp.

Luật sư, thạc sỹ Nguyễn Thanh Hà

Giám đốc Công ty Luật S&B Law

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan