Chủ tịch hội đồng quản trị có phải ký hợp đồng lao động?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Hiện tại Công ty tôi là Công ty cổ phần nhà nước nắm giữ 54% cổ phần. Ông Chủ tịch hội đồng quản trị là người không đại diện phần vốn Nhà nước, đến hết tháng 3/2018 đủ tuổi về hưu. Xin được hỏi: Sau khi về hưu ông chủ tịch hội đồng quản trị này có còn được giữ chức chủ tịch hoặc thành viên hội đồng quản trị không? Nếu còn là chủ tịch hoặc thành viên hội đồng quản trị thì việc ký hợp đồng lao động như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ theo Điều 152 Luật doanh nghiệp 2014, Hội đồng quản trị bầu một thành viên của Hội đồng quản trị làm Chủ tịch. Theo Điều 153 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về cuộc họp hội đồng quản trị:

“1. Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ được bầu trong cuộc họp đầu tiên của nhiệm kỳ Hội đồng quản trị trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc bầu cử Hội đồng quản trị nhiệm kỳ đó. Cuộc họp này do thành viên có số phiếu bầu cao nhất hoặc tỷ lệ phiếu bầu cao nhất triệu tập và chủ trì. Trường hợp có nhiều hơn một thành viên có số phiếu bầu hoặc tỷ lệ phiếu bầu cao nhất và ngang nhau thì các thành viên bầu theo nguyên tắc đa số để chọn 01 người trong số họ triệu tập họp Hội đồng quản trị”.

Thành viên hội đồng quản trị đấp ứng đủ các điều kiện sau:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật doanh nghiệp (không là công chức hoặc viên chức)

– Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác

– Thành viên Hội đồng quản trị công ty có thể đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của công ty khác.

– Đối với công ty con mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì thành viên Hội đồng quản trị không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; không được là người có liên quan của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.

Công ty bạn là Công ty cổ phần nhà nước nắm giữ 54% cổ phần. Ông Chủ tịch hội đồng quản trị là người không đại diện phần vốn Nhà nước, đến hết tháng 11/2017 đủ tuổi về hưu. Sau khi về hưu ông chủ tịch hội đồng quản trị này sẽ vẫn là thành viên hội đồng quản trị hoặc chủ tịch hội đồng quản trị nếu đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định tại Điều 151 Luật doanh nghiệp 2014, và được tất cả thành viên hội đồng quản trị thống nhất việc bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị. Việc miễn nhiệm chủ tịch hội đồng quản trị sẽ do quyết định của thành viên hội đồng quản trị.

Căn cứ Khoản 18, Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014, người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.

Căn cứ khoản 1, Điều 167 Bộ luật lao động 2012, dẫn chiếu Điều 6 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời gian hợp đồng lao động hoặc ký kết hợp đồng lao động mới.

Như vậy, trường hợp của ông chủ tịch hội đồng công ty bạn đến hết tháng 3/2018 đủ tuổi về hưu, khi công ty có nhu cầu sử dụng tiếp thì vẫn tiếp tục ký hợp đồng lao động theo quy định về sử dụng người lao động cao tuổi theo quy định tại Điều 166, Điều 167 Bộ luật lao động 2012:

– Người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

– Năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, người lao động được rút ngắn thời giờ làm việc bình thường hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

– Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo hợp đồng lao động.

– Không làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động cao tuổi.

– Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khoẻ của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.

Trong trường hợp người lao động đã về hưu không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan