Cho vay ngang hàng cần khung pháp lý để quản lý

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law trả lời phỏng vấn liên quan đến một số vấn đề về hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam. Dưới đây là nội dung chi tiết:

  1. Thưa ông, hình thức tín dụng cho vay ngang hàng dù mới xuất hiện ở Việt Nam chưa lâu nhưng có sự phát triển khá mạnh và thu hút được khá nhiều người dân tham gia. Thưa ông ông có thể phân tích, đâu là nguyên nhân khiến loại hình tín dụng này phát triển như vậy?

Trả lời:

Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên xuất phát từ những thuận lợi mà hoạt động cho vay ngang hàng đem đến cho người đi vay. Trước hết, cho vay ngang hàng trực tuyến (P2P) là hình thức các doanh nghiệp, tổ chức thu hút tiền của nhà đầu tư, sau đó kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân khác vay, với cam kết lợi nhuận cao qua trang web hoặc nền tảng ứng dụng. Tức là, qua nền tảng này, người có tiền và cần tiền sẽ tìm đến nhau và giao dịch mà không qua ngân hàng.

Điểm tích cực đầu tiên của mô hình P2P là mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhiều khách hàng, đặc biệt những người không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng. Với ưu điểm không cần chứng minh tài chính, thời gian giải ngân nhanh, khách hàng có khả năng vay nhanh từ 1 đến 30 triệu đồng, thủ tục đơn giản.

Bên cạnh đó, một số công ty P2P cũng nhắm đến cho vay doanh nghiệp. Thông qua các đơn vị này, doanh nghiệp có thể huy động vốn nhanh, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

  1. Có một thực tế các công ty cho vay ngang hàng chỉ đóng vai trò là môi giới, kết nối giữa người đi vay và người cho vay, nên khi xảy ra tranh chấp thì hai bên tự giải quyết. Ông đánh giá như thế nào về thực tế này?

Trả lời:

Hiện nay, các doanh nghiệp P2P chủ yếu hoạt động dưới vai trò là môi giới giữa người cho vay và người đi vay, không huy động tiền gửi, trả lãi suất như ngân hàng, không trực tiếp cho vay, cũng không chịu rủi ro nợ xấu. Như vậy, mặc dù những đơn vị này là cấu phần của thị trường tài chính nhưng họ không phải tổ chức tài chính để chịu điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng. Việc này dẫn đến điều kiện trong hoạt động P2P trở nên nhập nhèm, khó quản lý, tiềm ẩn rủi ro tạo điều kiện cho các bên tín dụng đen hoạt động trá hình.

  1. Thưa ông, hiện nay đã có khung pháp lý nào quản lý loại hình này hay chưa?VD như Luật các tổ chức tín dụng….Và việc chưa có khung pháp lý quản lý sẽ gây ra những hệ lụy như thế nào cho các bên tham gia và cho cả hệ thống tài chính thưa ông?

Trả lời:

Hiện nay, hoạt động P2P Lending vẫn chưa chịu sự điều chỉnh của bất kỳ văn bản pháp luật chuyên ngành nào. Việc chưa có khung pháp lý đặc thù điều chỉnh cho hoạt động này tiềm ẩn rủi ro pháp lý cho các giao dịch các bên tham gia. Đặc biệt, trường hợp xảy ra tranh chấp giữa các bên, việc thiếu khuyết những cơ sở pháp lý đặc thù sẽ gây ra các khó khăn nhất định trong việc áp dụng pháp luật giải quyết tranh chấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, về mặt quản lý nhà nước, như đã đề cập trên, việc không có khung pháp lý điều chỉnh cụ thể khiến việc quản lý hoạt động mô hình P2P gặp khó khăn, tiềm ẩn rủi ro tạo điều kiện cho các hoạt động tín dụng đen đội lốt mô hình P2P này để hoạt động.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan