Chớ quên quyền sở hữu trí tuệ

Nội dung bài viết

Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là công cụ then chốt giúp doanh nghiệp ngăn cản các đối thủ cạnh tranh không trung thực, mang lại lợi thế cạnh tranh từ các thành quả sáng tạo, được bảo hộ dưới dạng độc quyền.>

Cũng giống như trong kinh doanh, vấn đề SHTT của doanh nghiệp phải được xử lý một cách có chiến lược, nhằm biến nó thực sự trở thành một loại tài sản góp phần sản sinh lợi nhuận. Chiến lược thường được xây dựng trên cơ sở mong muốn quản lý tốt tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

Trên thực tế, bản thân các loại tài sản trí tuệ chỉ có giá trị thực sự khi gắn liền với hoạt động kinh doanh. Điều đó có nghĩa là giá trị của tài sản trí tuệ chỉ được biểu hiện khi được sử dụng cùng với các tài sản khác và các hoạt động khác trong quá trình kinh doanh để sản xuất ra sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ thu hút khách hàng. Rõ ràng, để có thể khai thác và sử dụng có hiệu quả tài sản trí tuệ, cần phải nắm bắt về đối tượng này, có kế hoạch quản lý, khai thác, bảo vệ một cách cụ thể.

Để định hướng và xác định được những nội dung then chốt, cốt yếu trong chiến lược quản lý tài sản trí tuệ, doanh nghiệp cần phải tiến hành những nghiên cứu sâu rộng, toàn diện phù hợp với điều kiện của mình.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần quan tâm trước hết đến việc xác định cụ thể mục tiêu mà doanh nghiệp cần đạt được hoặc hướng tới từ hoạt động quản lý tài sản trí tuệ của mình; vai trò, sức mạnh của từng đối tượng SHTT trong việc hỗ trợ thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; lựa chọn và áp dụng chiến lược quản lý phù hợp để đạt được mục tiêu và doanh nghiệp đề ra.

Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp không biết rõ được giá trị của các tài sản mà mình có trong tay dưới dạng thông tin, các ý tưởng sáng tạo và các bí quyết và do đó có thể không có các biện pháp phù hợp để bảo vệ. Có thể thấy rằng không có một mô hình chuẩn mực về chiến lược sở hữu trí tuệ áp dụng cho mọi doanh nghiệp.

Những yếu tố trên mang tính chất cụ thể và định hướng giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược về sở hữu trí tuệ của mình, căn cứ theo quy mô, lĩnh vực hoạt động, phạm vi hoạt động (sản phẩm tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu) v.v..

Rõ ràng, chiến lược về SHTT cần phải gắn chặt và phù hợp với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Nói cách khác, chiến lược sở hữu trí tuệ là một cấu phần nằm trong chiến lược kinh doanh và giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu của chiến lược kinh doanh. Điều này là lô-gic một khi chúng ta nhìn nhận tài sản trí tuệ là một trong những khối tài sản mà doanh nghiệp sử dụng trong quá trình kinh doanh của mình.

Có thể thấy sự gắn chặt và phù hợp của từng yếu tố của chiến lược sở hữu trí tuệ với các yếu tố của chiến lược kinh doanh, ví dụ các yếu tố về xu hướng và nhu cầu của thị trường, chiến lược công nghệ hay hiệu quả cạnh tranh sẽ được gắn liền với việc xác định các ưu tiên cho việc tạo dựng, bảo hộ hay khai tác các quyền sở hữu trí tuệ tạo ra hoặc góp phần thực hiện các mục tiêu tương ứng của chiến lược kinh doanh.

Việc xác định các yếu tố của chiến lược SHTT phải “ăn khớp” với chiến lược kinh doanh; nếu không, nó sẽ trở thành yếu tố “rời”, không góp phần thực hiện được mục tiêu chiến lược tổng thể của doanh nghiệp.

sblaw.vn(Theo baodatviet)

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan