Chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người khuyết tật

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã tư vấn về Chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người khuyết tật trên Cổng thông tin Điện tử. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là sự đảm bảo thay thế, hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống. Điều này được thể hiện qua những chính sách, quyền lợi BHXH mà người dân được hưởng. Đặc biệt, thể hiện qua những chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người khuyết tật. Để hiểu rõ hơn về những chính sách, quyền lợi cho đối tượng này, Cồng thông tin điện tử đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB LAW, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Lời đầu tiên xin cảm ơn ông đã nhận lời mời tham gia cuộc phỏng vấn này!

1. Thưa ông, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, chế độ và mức hưởng BHXH, BHYT, BHTN của người khuyết tật được quy định cụ thể như thế nào?

Trả lời:

Vấn đề an sinh xã hội với người khuyết tật được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Theo đó, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng với người khuyết tật được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật Việc làm năm 2013 và Luật Người khuyết tật năm 2010. Cụ thể:

Thứ nhất, về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp: Người khuyết tật tham gia quan hệ lao động được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp như những người lao động bình thường khác theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật việc làm, bao gồm các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí hoặc tử tuất; chế độ trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ Học nghề, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Luật Bảo hiểm xã hội và Luật việc làm cũng không có quy định đặc biệt gì về mức đóng BHXH đối với người khuyết tật, do đó, người khuyết tật đóng BHXH với mức đóng của người lao động bình thường.

Thứ hai, về trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng với người khuyết tật. Căn cứ quy định tại Điều 44 Luật người khuyết tật, những đối tượng sau đây sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng:

- Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:

a) Người khuyết tật đặc biệt nặng;

b) Người khuyết tật nặng.

- Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:

a) Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;

b) Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;

c) Người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Như vậy, có thể thấy không phải người khuyết tật nào cũng được hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng mà sẽ căn cứ vào mức độ khuyết tật để xác định chế độ với họ. Theo đó, người khuyết tật nặng những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc; người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

Thứ ba, về vấn đề Bảo hiểm Y tế, chế độ bảo hiểm y tế dành cho người khuyết tật cũng xác định dựa trên mức độ khuyết tật của họ. Theo đó, người khuyết tật thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng sẽ do ngân sách nhà nước đống BHYT, và sẽ được hưởng bảo hiểm với mức hưởng là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp người khuyết tật không thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì chế độ, mức đóng BHYT được thực hiện bình thường theo quy định của Luật bảo hiểm y tế.

2. Thưa ông, người khuyết tật thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được Nhà nước cấp thẻ BHYT và quyền lợi cao nhất là hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo quy định. Vậy khi đối tượng này tham gia lao động, có hợp đồng lao động và thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, thì có phải đóng BHYT nữa không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế, Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau (vừa là người lao động tham gia ký kết hợp đồng lao động, vừa thuộc diện người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng), thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm Y tế. Như vậy, ở đây cần xác định người này là người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội trước, do đó trách nhiệm đóng BHYT sẽ thuộc về nhà nước.

3. Thưa ông, để được cấp thẻ bảo hiểm người khuyết tật, đối tượng này cần làm những thủ tục như thế nào và ở đâu?

Trả lời:

Như tôi đã phân tích ở trên, người khuyết tật được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, cũng như các chính sách bảo trợ xã hội dành riêng cho một số đối tượng nhất định. Do đó, người khuyết tật cần xác định mình tham gia những bảo hiểm nào, có được hưởng chính sách bảo trợ xã hội không để xem xét thực hiện những thủ tục cụ thể phù hợp.

4. Trong quá trình giải đáp và tư vấn về chính sách bảo hiểm xã hội, chúng tôi có nhận được câu hỏi của bà Phan Thanh Tân, ở Bình Định, cụ thể: Con của bà Thanh Tân 40 tuổi, bị khuyết tật nặng trên 81%, đang hưởng trợ cấp tuất BHXH hàng thàng không hưởng chính sách trợ cấp gì đối với người khuyết tật. Hiện con tôi chưa được cấp thẻ BHYT. Vậy, trường hợp khuyết tật đặc biệt nặng, trên 18 tuổi, chưa hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật, nhưng đang nhận trợ cấp tuất BHXH hàng tháng như trường hợp con của bà Tân có được cấp thẻ BHYT miễn phí không? Nếu được cơ quan nào sẽ cấp thẻ BHYT?

Trả lời:

Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật thì:

“a) Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;”.

Điểm c Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, về đối tượng bảo trợ xã hội được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế, bao gồm:

“c) Người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng;”.

Khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế -Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT thì:

“2. Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách tham gia BHYT của các đối tượng quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và Khoản 5 Điều 1 Thông tư này theo hộ gia đình, trừ đối tượng quy định tại các Điểm a, l và Điểm n Khoản 3, Điểm b Khoản 4 Điều 1 Thông tư này, gửi Bảo hiểm xã hội cấp huyện, cụ thể như sau:

a) Năm 2015, Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách tham gia BHYT trên địa bàn và gửi 01 bản danh sách về Bảo hiểm xã hội cấp huyện chậm nhất là ngày 01 tháng 10 năm 2015;

b) Từ năm 2016, hằng tháng Ủy ban nhân dân xã lập danh sách tăng, giảm đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn và gửi 01 bản danh sách về Bảo hiểm xã hội cấp huyện để điều chỉnh việc cấp thẻ BHYT trên địa bàn”.

Như vậy, căn cứ vào những quy định trên, người khuyết tật bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được xác định là người khuyết tật đặc biệt nặng, được Nhà nước cấp thẻ BHYT theo đối tượng bảo trợ xã hội; UBND cấp xã có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT gửi cơ quan BHXH để cấp thẻ BHYT.

Như vậy, trường hợp con của bà Thanh Tân nếu bị khuyết tật suy giảm khả năng lao động từ 81% thì thuộc đối tượng là người khuyết tật đặc biệt nặng, được Nhà nước cấp thẻ BHYT.

Để làm thủ tục cấp thẻ BHYT, đề nghị bà Thanh Tân liên hệ với UBND cấp xã nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể.

5. Việt Nam hiện có 4,2 triệu người khuyết tật đang ở độ tuổi lao động, đây là một lực lượng lao động không nhỏ cần được đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội của những người khuyết tật, yếu thế, thiệt thòi vẫn còn rất hạn chế. Với vai trò là Luật sư, ông có kiến nghị gì để trong thời gian tới, chúng ta khắc phục được tình trạng trên?

Trả lời:

Theo tôi, cần tăng cường công tác phổ biến pháp luật đến cộng đồng người dân, qua đó, cần phải giúp họ hiểu rõ được những quyền lợi gì mà họ có quyền được hưởng. Bên cạnh đó, về phía cơ quan nhà nước, hướng dẫn cụ thể cũng như tăng cường công tác hỗ trợ người khuyết tật thực hiện các thủ tục hành chính để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

6. Thưa ông, đối với những đối tượng người khuyết tật đặc biệt nặng muốn tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì có được hay không? Nếu tham gia thì đối tương này được hưởng những chế độ gì?

Trả lời:

Về điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị định 134/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Như vậy, trường hợp người khuyết tật thỏa mãn điều kiện này vẫn sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Về chế độ, người khuyết tật vẫn sẽ được hưởng các chế độ BHXH tự nguyện theo quy định bao gồm chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan