Bị điều tra chính thức, Grab ở Việt Nam sẽ hoạt động như thế nào?

Nội dung bài viết

Trong bài “Bị điều tra chính thức, Grab ở Việt Nam sẽ hoạt động như thế nào?” đăng trên báo Vietnammoi, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Theo luật sư, khi điều tra chính thức, Công ty TNHH GrabTaxi sẽ có ít nhất 6 tháng hoạt động trước khi bị áp dụng hình thức phạt (nếu có).

Ngày 18/5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có thông báo về việc điều tra chính thức thương vụ Grab mua Uber ở thị trường Việt Nam.

Cách đó ít ngày, Cục này cũng đã công bố kết luận điều tra sơ bộ thương vụ trên cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%.

Cục Cạnh tranh nhận định, thương vụ Grab mua Uber ở Việt Nam có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.

Liên quan đến thương vụ nêu trên, chúng tôi đã có trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw (Đoàn luật sư TP Hà Nội) để làm rõ hơn.

Theo luật sư Hà, Luật Cạnh tranh năm 2004 yêu cầu những trường hợp mua bán sáp nhập mà có ảnh hưởng lớn đến mức cạnh tranh của thị trường sẽ bị hạn chế.

“Cụ thể Điều 18 Luật này quy định trường hợp tập trung kinh tế bị cấm nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan.

Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh 2004 không có điều luật nào quy định doanh nghiệp trong quá trình điều tra về hành vi vi phạm cạnh tranh sẽ phải tạm dừng hoạt động”, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay.

Cũng theo ông Hà, thời hạn điều tra chính thức đối với vụ việc thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền hoặc tập trung kinh tế là một trăm tám mươi ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra.

“Trường hợp cần thiết, thời hạn này có thể được Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh gia hạn, nhưng không quá hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày.

Như vậy, Công ty TNHH GrabTaxi sẽ có ít nhất 6 tháng hoạt động trước khi bị áp dụng hình thức phạt (nếu có)”, luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.

Đáng chú ý, luật sư Hà cho biết trong trường hợp Cục Cạnh tranh kết luận Công ty TNHH GrabTaxi có hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh thì đơn vị này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 118 Luật Cạnh tranh năm 2004 và Mục 3 chương II Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

“Mức tiền phạt tối đa có thể lên tới 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi tập trung kinh tế vi phạm.

Ngoài ra bên cạnh việc phạt tiền, doanh nghiệp nhận sáp nhập còn có thể bị áp dụng các biện pháp phạt bổ sung hoặc khắc phục hậu quả khác như là buộc chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, doanh nghiệp mua lại có thể buộc phải bán lại phần tài sản mà doanh nghiệp đã mua”, luật sư Hà chia sẻ.

Trước đó vào ngày 6/4, Cục Cạnh tranh đã có buổi làm việc với Công ty TNHH GrabTaxi. Tuy nhiên, phía Grab không cung cấp được căn cứ chứng minh thị phần kết hợp tại thị trường Việt Nam dưới 30%.

Đáng chú ý là đại diện Grab Việt Nam nhiều lần khẳng định rằng sẽ cung cấp thông tin thể hiện thị phần kết hợp thấp hơn 30%.

Trong khi Việt Nam tiến hành điều tra về thương vụ Grab mua Uber, tại một số quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Philippines và Malaysia cũng có động thái tương tự.

Nguồn: https://vietnammoi.vn/bi-dieu-tra-chinh-thuc-grab-o-viet-nam-se-hoat-dong-nhu-the-nao-103267.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan