Bảo vệ thương hiệu với tên miền quốc gia “.vn”

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trong Chương trình Câu chuyện hội nhập về vấn đề Bảo vệ thương hiệu với tên miền quốc gia. Dưới đây là nội dung chi tiết:

  1. Ông đánh giá thế nào về tốc độ phát triển của tên miền quốc gia (.vn) trong thời gian gần đây?

Luật sư trả lời:

Với việc triển khai nhiều chính sách đồng bộ nhằm khuyến khích sử dụng, phát triển tên miền quốc gia “.vn” trong những năm qua, người dùng đã dần quan tâm và hưởng ứng sử dụng tên miền “.vn” tại thị trường Việt Nam. Và đến nay có thể khẳng định, tên miền “.vn” đã có chỗ đứng riêng trong cộng đồng sử dụng.

Thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), trong khoảng 4 năm gần đây, tốc độ phát triển tên miền quốc gia “.vn” trung bình hàng năm đều đạt hơn 10%. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng tên miền “.vn” đang được duy trì trên hệ thống là 408.382, gấp hơn 3,2 lần so với tổng số tên miền “.vn” tại thời điểm cuối năm 2010.

Từ những kết quả đạt được nói trên, tên miền “.vn” đã góp phần phát triển Internet

Việt Nam, đặc biệt góp phần trong chiến lược chung đó là nâng cao, ứng dụng Chính phủ điện tử trong quản lý, điều hành của khối cơ quan nhà nước.

2. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có hơn 500.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử chiếm 45% (khoảng 220.000 doanh nghiệp). Song, tính đến nay, số lượng tên miền được chủ thể báo cáo về việc sử dụng tên miền quốc tế trên trang web thongbaotenmien.vn chỉ có 157.464 tên miền. Tại sao lại như vậy?

Luật sư trả lời:

Việc đăng ký tên miền không chỉ để doanh nghiệp tránh được những vụ tranh chấp có thể xảy ra mà còn giúp họ dễ dàng quảng bá hình ảnh của mình, tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký tên miền lại không cao. Nguyên nhân là do:

Thứ nhất, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam chưa ý thức một cách đầy đủ về tên miền và thương hiệu cũng như các vấn đề liên quan đến tên miền. Vì vậy, một lượng lớn các doanh nghiệp Việt không có website, không sử dụng thư điện tử với tên miền chuyên nghiệp.

Thứ hai, tâm lý thích tên miền quốc tế

Trên thực tế, một số doanh nghiệp thích sử dụng tên miền quốc tế vì quy trình đăng ký dễ dàng, thuận tiện, lại ít bị luật pháp Việt Nam kiểm soát so với tên miền .vn. Đồng thời, một số doanh nghiệp “chạy” theo trào lưu chọn tên miền .com, .net như một kiểu hướng ngoại, phản ánh xu hướng hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng số lượng tên miền Việt Nam được sử dụng quá thấp trong thực tế là do chi phí cho tên miền .vn cao hơn chi phí cho tên miền quốc tế (.com, .net…). Tuy nhiên, thực tế cho thấy chi phí sử dụng tên miền .vn không cao hơn nhiều so với tên miền quốc tế; thậm chí còn thấp hơn khi khách hàng sử dụng những năm kế tiếp. Tính trung bình, phí đăng ký và duy trì tên miền Việt Nam (.vn) chỉ bằng phí gia hạn gói cước thuê bao dịch vụ viễn thông 3G hằng tháng (khoảng 70.000 đồng/tháng).

Tên miền đóng vai trò như một địa chỉ, một thương hiệu của doanh nghiệp trong môi trường Internet. Tên miền và trang web gắn liền với sự phát triển thương hiệu sẽ góp phần hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong việc nhận diện thương hiệu, quảng bá, truyền thông, tiếp cận các thị trường lớn Vì vậy, việc phát triển thương hiệu gắn với tên miền cần được doanh nghiệp quan tâm và đầu tư nhiều hơn.

3. Vậy làm thế nào để khuyến khích các DN đăng ký sử dụng tên miền (.vn)?

Luật sư trả lời:

Để khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký sử dụng tên miền “.vn”, trước hết phải phổ biến thông tin giúp cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của việc đăng ký tên miền “.vn”, đồng thời từ những vấn đề tranh chấp thương hiệu xoay quanh tên miền, chuyển nhượng tên miền không qua đấu giá, các doanh nghiệp có thể nắm rõ mức độ quan trọng của nó đối với các cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị trong môi trường Internet toàn cầu.

Việc nâng cao nhận thức của các cá nhân, doanh nghiệp về tên miền “.vn” cũng hạn chế tiêu cực, phát huy tính tích cực khi tham gia thương mại điện tử nhằm mang lại lợi ích tối đa cho doanh nghiệp.

Tăng cường tổ chức các Hội thảo nhằm mục đích nâng cao nhận thức chung của doanh nghiệp về bảo hộ thương hiệu trên mạng Internet, phát triển và quảng bá hoạt động trên mạng Internet, trong đó tập trung vào nội dung bảo vệ thương hiệu trên mạng với tên miền “.vn”.

4. Ông đánh giá thế nào về nhận thức chung của doanh nghiệp trong việc bảo hộ thương hiệu của mình trên Internet với tên miền (.vn)?

Luật sư trả lời:

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của Internet tại Việt Nam trong những năm gần đây cùng sự gia tăng của các hoạt động thương mại điện tử, các vấn đề về đăng kí sử dụng tên miền liên quan tới việc bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp trên mạng Internet ngày càng trở nên quan trọng, được nhiều doanh nghiệp quan tâm, nhất là tại những trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, … Tuy vậy, phần lớn doanh nghiệp trong nước chưa nhận thức hết tầm quan trọng của vấn đề tên miền liên quan tới thương hiệu trên mạng Internet. Điều đó có thể thấy được qua các vụ việc tranh chấp tên miền ngày một tăng như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa trong thời gian vừa qua.

5. Đâu là những tranh chấp điển hình trong thời gian qua liên quan đến tên miền (.vn)?

Luật sư trả lời:

Trong thời gian vừa qua đã xảy ra rất nhiều vụ tranh chấp tên miền tại Việt Nam, chủ yếu là tranh chấp xảy ra giữa chủ sở hữu nhãn hiệu, chủ yếu là nhãn hiệu nổi tiếng (đối tượng SHTT) và chủ sở hữu tên miền giống hệt nhãn hiệu đó. Ví dụ như trường hợp Samsung, Toyota như nêu ở trên.

Trong khi các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam vẫn chưa nhận thức được vai trò quan trọng của tên miền trong nền kinh tế mạng thì các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã nhanh tay đăng ký trước, đến khi doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh hay quảng bá thương hiệu trên internet đi đăng ký thì mới biết tên miền đã bị đăng ký từ trước đó. Do chậm chân trong việc đăng ký tên miền, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã không sở hữu được tên miền của mình. Đó là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới các vụ tranh chấp tên miền liên quan tới nhãn hiệu hàng hóa, các tổ chức, doanh nghiệp nóng và dồn dập như thời gian qua. Điển hình là các vụ tranh chấp liên quan đến là tên miền của các nhãn hiệu nổi tiếng như: ebay.com.vn, ibm.com.vn: visa.com.vn, anz.com.vn, toyotavn.vn, camry.vn, innova.vn, sprite.com.vn, coke.com.vn, fanta.com.vn, olay.com.vn, heineken.vn, bayer.vn, bitis.vn, samsungmobile.vn, samsungmobile.com.vn, visa.com.vn, …; liên quan tới tên tổ chức, doanh nghiệp như nld.vn, nguoilaodong.vn, mhb.vn, habeco.vn, tvad.vn…

6. Hiện nay đã có những hàng lang pháp lý nào để giúp DN bảo vệ được tên miền (.vn)?

Luật sư trả lời:

Ở Việt Nam, khung pháp lý để giúp DN bảo vệ được tên miền (.vn) đã khá hoàn thiện, có tham khảo Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (Uniform Domain-name Dispute-Resolution Policy) – UDRP của Tổ chức quản lý Tên miền và Số hiệu mạng thế giới (ICANN) và tham khảo chính sách của các quốc gia khác.

  • Điều 76 Luật Công nghệ thông tin năm 2006, có quy định về các hình thức giải quyết tranh chấp sau:

“Tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được giải quyết theo các hình thức sau đây:

  1. Thông qua thương lượng, hòa giải;
  2. Thông qua trọng tài;
  3. Khởi kiện tại Tòa án”.
  • Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng

Điều 16. Xử lý tranh chấp tên miền

  1. Tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được giải quyết theo các hình thức sau đây:

a) Thông qua thương lượng, hòa giải;

b) Thông qua trọng tài;

c) Khởi kiện tại Tòa án.

2. Căn cứ giải quyết tranh chấp tên miền theo yêu cầu của nguyên đơn:

a) Tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên của nguyên đơn; trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ mà nguyên đơn là người có quyền hoặc lợi ích hợp pháp;

b) Bị đơn không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền đó;

c) Bị đơn cho thuê hay chuyển giao tên miền cho nguyên đơn là người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ trùng hoặc giống đến mức gây nhầm lẫn với tên miền đó; cho thuê hay chuyển giao cho đối thủ cạnh tranh của nguyên đơn vì lợi ích riêng hoặc để kiếm lời bất chính;

d) Bị đơn chiếm dụng, ngăn cản không cho nguyên đơn là người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ đăng ký tên miền tương ứng với tên, nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ đó nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh;

đ) Bị đơn sử dụng tên miền để hủy hoại danh tiếng của nguyên đơn, cản trở hoạt động kinh doanh của nguyên đơn hoặc gây sự nhầm lẫn, gây mất lòng tin cho công chúng đối với tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ của nguyên đơn nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh;

e) Trường hợp khác chứng minh được việc bị đơn sử dụng tên miền vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

3. Bị đơn được coi là có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền khi đáp ứng một trong những điều kiện sau đây:

a) Đã sử dụng hoặc có bằng chứng rõ ràng đang chuẩn bị sử dụng tên miền hoặc tên tương ứng với tên miền đó liên quan đến việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ một cách thực sự trước khi có tranh chấp;

b) Được công chúng biết đến bởi tên miền đó cho dù không có quyền nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ;

c) Đang sử dụng tên miền một cách hợp pháp không liên quan tới thương mại hoặc sử dụng tên miền một cách chính đáng, không vì mục đích thương mại hoặc làm cho công chúng hiểu sai hoặc nhầm lẫn, ảnh hưởng tới tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ của nguyên đơn;

d) Có bằng chứng khác chứng minh được tính hợp pháp của bị đơn liên quan đến tên miền.

4. Cơ quan quản lý tên miền “.vn” xử lý tên miền có tranh chấp được thực hiện theo biên bản hòa giải thành của các bên có tranh chấp hoặc theo quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan Trọng tài hoặc theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Như vậy khi tranh chấp xảy ra chỉ cần bạn chứng minh được bạn là người sở hữu hợp pháp đối với tên miền đó và có thể áp dụng một trong những thủ tục giải quyết tranh chấp như trên.

Nếu bạn đã tiến hành đầy đủ các thủ tục hành chính về đăng ký, sử dụng và quản lí tên miền thì bạn sẽ có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 19 của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP:

Điều 19. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng tài nguyên Internet

  1. Tổ chức, cá nhân đăng ký và sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đăng ký, bao gồm tính chính xác, trung thực của thông tin và bảo đảm không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

b) Chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng tên miền của mình theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tên miền quốc tế phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định tại Điều 23 Luật công nghệ thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể quy trình, thủ tục thông báo sử dụng tên miền quốc tế.

3. Tổ chức sử dụng địa chỉ Internet và số hiệu mạng phải thực hiện định tuyến và sử dụng địa chỉ Internet, số hiệu mạng theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

4. Tổ chức, cá nhân sử dụng tài nguyên Internet phải cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu.

5. Tổ chức, cá nhân sử dụng tài nguyên Internet phải nộp lệ phí đăng ký và phí duy trì tài nguyên Internet theo quy định”.

  • Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên internet

Thông tư quy định cụ thể: việc đăng ký tên miền “.vn”; sử dụng tên miền “.vn”; bảo vệ tên miền “.vn”; thủ tục đăng ký, thay đổi thông tin đăng ký, hoàn trả tên miền “.vn”; Quản lý tên miền “.vn” trong quá trình giải quyết tranh chấp; Quyền và nghĩa vụ của chủ thể đăng ký sử dụng tên miền “.vn”; …

  • Thông tư số 16/2016/TT-BTTTT ngày 28/6/2016 hướng dẫn chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet được cấp không thông qua đấu giáTổng Cục thuế, Bộ Tài chính ban hành các văn bản số 350/TCT-CS ngày 29/01/2015 và 784/TCT-TNCN ngày 09/3/2017 hướng dẫn về thuế chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện chính thức các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền.

Thông qua việc thực hiện các quy định của pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền, chủ thể dễ dàng thực hiện các hoạt động mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền một cách công khai, hợp pháp và được đảm bảo quyền lợi tối đa trong quá trình chuyển nhượng, bao gồm: Chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền một cách thông suốt. Giao dịch chuyển nhượng được đảm bảo, không có nguy cơ bị mất tên miền; Các quyền lợi về tên miền như thời hạn sử dụng tên miền được kế thừa, tên miền không gián đoạn hoạt động trong suốt quá trình chuyển nhượng.

Những văn bản trên đã làm hoàn thiện chính sách quản lý tên miền và việc giải quyết tranh chấp tên miền sẽ dễ dàng, triệt để hơn cũng như giảm thiểu các vụ tranh chấp kéo dài.

7. Tên miền không chỉ là địa chỉ định danh trên mạng Internet mà còn là “thương hiệu số”, một loại tài sản vô hình của các cá nhân, doanh nghiệp và đơn vị. Ông có lời khuyên nào cho các đơn vị để tránh rủi ro liên quan đến tên miền của mình?

Luật sư trả lời:

Để tránh rủi ro liên quan đến tên miền của mình, trước hết chính các doanh nghiệp phải chủ động đăng ký các tên miền liên quan đến quyền lợi, lợi ích của mình.

Một nhà đăng ký tên miền, để tăng cường việc quảng bá thương hiệu, các doanh nghiệp nên đặt tên miền trùng hoặc gần giống tên công ty. Trong trường hợp doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, có kế hoạch đầu tư cho tên miền thì nên chọn phương án đăng ký “bao vây”. Nghĩa là, ngoài tên miền chính (tên miền thương hiệu), doanh nghiệp đăng ký thêm các tên miền trong nước và quốc tế có liên quan với tên công ty hoặc sản phẩm công ty chuẩn bị tung ra thị trường, đồng thời phải chú ý đến thời gian gia hạn và quản lý tên miền đã đăng ký.

Tên miền cũng giống như một “ngôi nhà” trên mạng của doanh nghiệp; nó sẽ gắn liền với thương hiệu hoặc tên sản phẩm của doanh nghiệp. Nếu không kịp thời quan tâm, đăng ký quyền sở hữu… thì các doanh nghiệp có thể bị đánh mất “ngôi nhà” đó. Do đó, phải tránh trường hợp tên miền hết hạn, không đăng ký, ngay lập tức bị đối tác đăng ký. Khi xảy ra tranh chấp tên miền, các doanh nghiệp cần tìm tới các luật sư để có thể được tư vấn về thủ tục và trình tự giải quyết tranh chấp.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan