Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quýt "Bắc Cạn"

Nội dung bài viết

Ngày 14 tháng 11 năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 2839/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00033 cho sản phẩm quýt Bắc Kạn. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Như vậy, sau sản phẩm hồng không hạt, đây là sản phẩm thứ hai của tỉnh Bắc Kạn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Cây Quýt, tên khoa học là Citrus reticulata thuộc họ Cam, Quýt (Rutaceae) có nguồn gốc ở vùng Nam Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Quýt Bắc Kạn là tên gọi một giống quýt quý gắn liền với ba huyện Bạch Thông, Chợ Đồn và Ba Bể. Theo tiếng dân tộc Tày quả quýt còn được gọi là Mác nghè, còn theo tiếng dân tộc Mán quả quýt được gọi là Mác pẻn.

Quýt Bắc Kạn được phân biệt với các giống quýt khác nhờ các đặc thù về cảm quan cũng như chất lượng. Về mặt cảm quan, quýt Bắc Kạn có hình dạng quả tròn dẹt với đường kính quả từ 7,16 cm đến 7,99 cm, chiều cao quả từ 4,17 cm đến 4,60 cm. Khối lượng quả từ 152g đến 193g. Vỏ quả nhẵn, màu vàng tươi, độ dày vỏ từ 2,08 mm đến 3,04 mm, dễ bóc tách. Múi quả to đều mọng nước. Tép quả màu vàng rơm, không nát. Tỷ lệ hạt từ 1,16% đến 1,33%.Vị quả chua dịu, không the đắng, khi ăn xơ bã tan, mềm vừa phải, mùi rất thơm. Quýt Bắc Kạn có hương vị đặc thù nói trên chính là nhờ sự kết hợp hài hòa của các yếu tố như: hàm lượng chất khô trung bình (10,98%); hàm lượng đường tổng số trung bình (9,11%), hàm lượng axit tổng số trung bình (0,57%), độ Brix trung bình (12,19%); hàm lượng nước trung bình (73,85); hàm lượng Vitamin C trung bình (34,22mg/100g).

Danh tiếng và chất lượng đặc thù của sản phẩm quýt Bắc Kạn nói trên gắn liền với khu vực địa lý có tọa độ địa lý từ 22o05’53” đến 22o29’24” vĩ độ Bắc và từ 105o28’36” đến 105o59’08” kinh độ Đông thuộc địa phận các xã Quang Thuận, Đôn Phong, Dương Phong thuộc huyện Bạch Thông; các xã Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên thuộc huyện Chợ Đồn; các xã Thượng Giáo, Địa Linh, Chu Hương, Mỹ Phương, Cao Trĩ, Yến Dương thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Các xã nói trên có các điều kiện tự nhiên đặc biệt phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây quýt. Địa hình của khu vực địa lý có dạng đồi núi thấp và dạng đồng bằng xen đồi, các khe dốc tụ có độ cao tuyệt đối dưới 500m. Khí hậu của khu vực địa lý phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây quýt: nhiệt độ trung bình năm là 22oC, tháng nóng nhất có nhiệt độ trung bình là 37,02oC, tháng lạnh nhất có nhiệt độ trung bình nhỏ hơn 14oC; độ ẩm không khí trung bình năm là 82,6%; tổng số giờ nắng trong năm là 1.475,4 giờ, số giờ nắng thấp nhất vào các tháng Một, Hai, Ba và cao nhất vào các tháng Sáu, Bảy, Tám, Chín; lượng mưa trung bình năm là 1.371,7 mm, phân bố không đều giữa các tháng trong năm. Vào mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 10), lượng mưa chiếm tới 75% - 80% tổng lượng mưa cả năm, còn lại 20%-25% mưa vào mùa khô (tháng Mười Một năm trước đến tháng Ba năm sau). Khu vực địa lý có các loại đất Feralit đỏ vàng như: đất Feralit đỏ vàng trên đá biến chất, đất Feralit vàng đỏ trên phiến thạch sét, đất Feralit vàng trên đá Mắcma axit… Trong đó loại đất Feralit đỏ vàng trên đá biến chất là có các tính chất phù hợp cho sự phát triển của cây quýt như: đất có cấu tạo kém bền vững, phiến đá mềm dễ phân hủy, kết hợp với địa hình có độ dốc vừa phải do đó tầng đất dày và thoát nước tốt, thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến trung bình.

Ngoài ra, các bí quyết lâu đời trong việc canh tác cây quýt của người dân địa phương kết hợp với quy trình kỹ thuật khoa học trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản quýt cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên chất lượng đặc thù của quýt Bắc Kạn.

Như vậy, cùng với hồng không hạt, quýt là sản phẩm thứ hai mang chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn được chính thức bảo hộ. Đây vừa là niềm tự hào đồng thời cũng gắn liền với trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và quảng bá danh tiếng, chất lượng sản phẩm của vùng đất này.

(sblaw.vn theo Phòng Chỉ dẫn địa lý)

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan