Bao giờ có hành lang pháp lý cho Fintech?

Nội dung bài viết

Thời gian gần đây, “Fintech” là cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong ngành tài chính ở Việt Nam và trên cả thế giới. Fintech là một thuật ngữ tiếng anh chỉ sự kết hợp giữa tài chính và công nghê “Financial Technology”.

Các sản phẩm trong Fintech thường được chia thành hai nhóm phân theo đối tượng sử dụng:

Nhóm 1: các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, các công cụ kỹ thuật số và công nghệ khác để cải thiện cách các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc, tài trợ vốn cho các Start –up;

Nhóm 2: các sản phẩm công nghệ “back – office” nhằm hỗ trợ cho hoạt động của các Fintech và các định chế tài chính.

Tại Việt Nam, các ngân hàng, doanh nghiệp và cả những Startup cũng đang chạy đua từng ngày cho mảng kinh doanh này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Start-up trong lĩnh vực Fintech là hành lang pháp lý chưa rõ ràng.

Doanh nghiệp vừa làm vừa phải liên tục cập nhật về định hướng của cơ quan quản lý Nhà nước trong tương lai, và băn khoăn liệu việc đầu tư, phát triển lĩnh vực này trong tương lai liệu có bị ảnh hưởng gì về mặt pháp lý hay không?

Các chính sách hiện nay đa số đang quy định theo hướng quản lý chặt chẽ, kỹ càng làm hạn chế việc tiếp cận và phát huy nguồn lực của các doanh nghiệp Fintech.

Cụ thể, hiện nay quy định về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Fintech luôn ở mức 30%, 40% và dưới 50% theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

Việc hạn chế đầu tư nước ngoài của ngành này giống như ngành ngân hàng tuy đảm bảo bình đẳng về mặt pháp luật nhưng rõ ràng đang bóp nghẹt những tổ chức không phải là ngân hàng, đặc biệt là đối với các Start-up.

Bởi vì ngân hàng là một tổ chức có tiềm lực kinh tế lớn, dòng tiền đều và dễ dàng huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, còn đối với các doanh nghiệp nhỏ hạn chế đầu nguồn đầu tư nước ngoài, động thái này rõ ràng đang làm mất đi cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn lớn phục vụ cho sự phát triển của những doanh nghiệp này.

Hay hạn chế về hạn mức giao dịch theo ngày, theo tháng. Việc này, các doanh nghiệp Fintech cũng vô cùng băn khoăn, vấn đề này sẽ tác động trực tiếp đến quy mô cũng như mục tiêu khách hàng, hành vi khách hàng mà doanh nghiệp Fintech sẽ hướng tới. Nếu hạn mức giao dịch quá thấp, trong khi nhu cầu sử dụng thực tế cao hơn nhiều thì người dùng sẽ vẫn quay lại sử dụng các kênh giao dịch truyền thống. Điều này khiến cho hiệu quả kinh tế mang lại cho doanh nghiệp sẽ thấp và cũng không đáp ứng được kỳ vọng về quản lý nhà nước về giao dịch tiền tệ bằng Fintech.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề đáng quan tâm trong việc xây dựng khung pháp lý. Theo đó, một số điểm vướng trong lĩnh vực Fintech cũng tương tự trong một số lĩnh vực khác của nền kinh tế. Chẳng hạn, các khái niệm, định nghĩa rõ ràng về những mô hình hoạt động vẫn còn nhiều tranh cãi.

Với các Fintech trong lĩnh vực thanh toán, vẫn còn nhiều tranh cãi về nội dung được làm và nội dung không được làm. Việc cho vay trực tuyến là đúng hay sai và đúng – sai ở mức độ nào vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều nội dung cần làm rõ, để vừa đạt được mục tiêu quản lý tốt vừa giúp doanh nghiệp phát triển.

Tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng vẫn cần nhanh chóng xây dựng một khung pháp lý làm cơ sở cho hoạt động Fintech, không thể để tình trạng các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh mà không chắc chắn bất cứ điều gì do pháp luật chưa rõ ràng.

Bài viết của Luật sư Nguyễn Thanh Hà

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan