Ban hành thông tư về quy tắc xuất xứ trong CPTPP

Nội dung bài viết

Mới đây, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (viết tắt là Hiệp định CPTPP) được Việt Nam ký ngày 08/3/2018 tại Santiago (Chile) và được Quốc hội phê chuẩn theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Qua đó mở ra một cơ hội mới về thương mại cho đất nước ta và đặt ra những tiêu chuẩn mà doanh nghiệp và cơ quan nhà nước phải đạt được.

Để bắt kịp những tiến độ thương mại tự do của CPTPP, Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22/1/2019 quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP thể hiện tinh thần khẩn trương xây dựng văn bản nội luật hóa nhằm thực hiện các cam kết tại CPTPP. Thông tư gồm 5 chương, 33 điều và 9 phụ lục đi kèm.

Trong thương mại quốc tế, quy tắc xuất xứ hàng hóa là tập hợp các quy định nhằm xác định quốc gia nào được coi là đã sản xuất ra hàng hóa (nước xuất xứ của hàng hóa). Trong nhiều trường hợp, các nước nhập khẩu cần biết xuất xứ hàng hóa nhập khẩu để xác định quy chế đặc biệt áp dụng cho hàng hóa đó.

Quy tắc xuất xứ nhằm xác định sự hợp lệ của hàng nhập khẩu để được hưởng mức thuế ưu đãi. Nếu không có quy tắc xuất xứ, hiện tượng thương mại chệch hướng (trade deflection) sẽ rất khó ngăn chặn được khi hàng hóa nhập khẩu từ các nước không tham gia FTA sẽ vào khu vực mậu dịch tự do thông qua nước thành viên áp dụng mức thuế thấp nhất đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước không tham gia FTA.

Thông tư 03/2019/TT-BTC có những điểm mới đáng chú ý sau:

Thứ nhất, quy định về CTC (Chuyển đổi mã số HS của hàng hóa) vốn là tiêu chí xuất xứ phổ biến trong các FTA, được hiểu một cách đơn giản là “mã HS của thành phẩm phải khác mã HS của các nguyên liệu đầu vào ở cấp 2 số, 4 số hoặc 6 số tùy vào Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) áp dụng cho thành phẩm đó”. Theo đó tại Thông tư này, Quy tắc cụ thể mặt hàng – PSR được phân bổ theo 3 mặt hàng chính: Mặt hàng dệt may tại Phụ lục VII; Mặt hàng ô tô tại Phụ lục II; Và những mặt hàng còn lại tại Phụ lục I.

Thứ hai, thêm quy tắc tính hàm lượng giá trị khu vực (RVC) tại Điều 8 của Thông tư. Cụ thể, ngoài phương pháp tính RVC trực tiếp và gián tiếp, Thông tư còn bổ sung phương pháp tính RVC đối với hàng có nguyên liệu không có xuất xứ xác định và phương pháp tính RVC theo chi phí tịnh của hàng hóa (sử dụng cho ô tô theo Điều 12 Thông tư 03/2019). Theo quy định pháp luật, RVC là hàm lượng giá trị khu vực (regional value content) của hàng hóa tính theo công thức và không nhỏ hơn tỷ lệ phần trăm quy định và công đoạn sản xuất cuối cùng được thực hiện tại một nước thành viên.

Thứ ba, ngoại lệ De Minimis áp dụng đối với hàng hóa không thỏa mãn quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa theo Phụ lục I đi kèm Thông tư, nhưng có giá trị của phần nguyên liệu nói trên không vượt quá 10% trị giá của hàng hóa thì vẫn được coi là có xuất xứ (Theo Điều 14 Thông tư). Còn đối với hàng dệt may nếu trọng lượng hoặc trọng lượng sợi, xơ dệt không vượt quá 10% tổng trọng lượng hàng hóa thì vẫn coi là có xuất xứ (theo Điều 29 Thông tư).

Thứ tư, đối với hàng tân trang, tái chế tạo thì nguyên liệu tái sử dụng sẽ có xuất xứ khi nguyên liệu đó thu được từ lãnh thổ một hay nhiều nước thành viên của Hiệp định và là bộ phận cấu thành của hàng hóa đó.

Mẫu C/O mẫu CPTPP cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các thông tin tối thiểu theo quy định tại Hiệp định CPTPP cũng được ban hành kèm theo Thông tư.

Về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Cho phép người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ.

Hàng xuất khẩu từ Việt Nam áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Thời gian chuyển tiếp thực hiện cơ chế nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện từ 5 đến 10 năm theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Cơ chế nhà nhập khẩu Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ thực hiện sau 5 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực.

Quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa của Việt Nam thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và các quy định khác có liên quan.

Đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trước ngày Thông tư này có hiệu lực, cơ quan, tổ chức cấp C/O xem xét cấp C/O mẫu CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của Hiệp định và theo quy định của Nước thành viên nhập khẩu theo Điều 32 của Thông tư này.

Thông tư số 03/2019/TT-BCT sẽ có hiệu lực kể từ ngày 8/3/2019, góp phần giúp Việt Nam từng bước phát triển trong quá trình tự do thương mại hóa.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan