APEC 2017: Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa

Nội dung bài viết

Ngày 11/9/2017, đã diễn ra Hội thảo “Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khởi nghiệp đổi mới và năng động tại khu vực APEC” trong khuôn khổ Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC năm 2017, các đại biểu tham dự khẳng định DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa là thành tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và là động lực của cả nền kinh tế.

DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa là động lực của cả nền kinh tế

Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC- Ông Hoàng Văn Dũng - cho biết, hiện có 110 triệu DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại các nền kinh tế APEC, đối tượng này chiếm đến 98% DN, đóng góp 70% giá trị xuất khẩu và tạo ra công ăn việc làm cho 54% dân số khu vực.

Trong 2 năm gần đây các nền kinh tế thành viên APEC đều chú trọng đến vấn đề làm thế nào để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa để nâng cao năng lực của họ. Trong các cuộc họp của Hội đồng ABAC chúng tôi đã đưa ra rất nhiều đề xuất. Tại hội thảo lần này chúng tôi đưa ra khuyến nghị đầu tiên của APEC đó là thông qua thương mại điện tử, số hóa thương mại giúp DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa nâng cao tính cạnh tranh, khả năng sáng tạo để tiếp cận với thị trường quốc tế, vượt qua khó khăn. Vì thế các nền kinh tế thành viên APEC cần tăng cường hơn nữa chính sách hỗ trợ cho các DN này, tăng cường các chương trình nâng cao năng lực hỗ trợ trực tuyến và ngoại tuyến.

Bà Ping Kitnikone, Đại sứ Canada tại Việt Nam - cho hay, các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa thường năng động, sáng tạo nhưng thị trường của họ phần lớn là thị trường địa phương. Các DN này cần được hỗ trợ trong việc huy động vốn và tiếp cận các thị trường khu vực và toàn cầu.

"Canada đã làm việc với ASEAN để thực hiện các cuộc đối thoại, các SMEs có thể làm chính sách phát triển hỗ trợ DN, nâng cao năng lực cạnh tranh. Canada cũng đã thành lập quỹ hỗ trợ biến đổi khí hậu hỗ trợ DN SMEs và các DN Việt Nam cũng có thể tiếp cận quỹ này. Khi đầu tư vào DN khởi nghiệp, DN Canada cho rằng thị trường Việt Nam rất tiềm năng. Các DN Canada đã tìm hiểu thị trường sản phẩm dịch vụ và sau đó các giúp các DN khởi nghiệp có được hợp đồng, đưa sản phẩm ra thị trường”, bà Ping Kitnikone nhấn mạnh.

Ông Guillermo Manuel Montinola Luz, Giám đốc Tập đoàn Ayala (Philippines) - đề xuất: DN có thể mở rộng ra nhiều quốc gia để tạo ra sự pha trộn rất thú vị trong kinh doanh. Các Chính phủ đang trở thành khách hàng của các start-up, nên ký hợp đồng sử dụng dịch vụ với các DN, biến quá trình trực tuyến thành ngoại tuyến.

Việt Nam tăng cường hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa

Chủ nhiệm đề án Việt Nam Silicon Valley - bà Lê Thạch Anh - cho biết, hiện ở Việt Nam DN khởi nghiệp chú trọng vào lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, bán lẻ, thương mại điện tử, du lịch, … Để hỗ trợ cho DN khởi nghiệp, Chính phủ đã ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg hỗ trợ DN khởi nghiệp, thực hiện hỗ trợ tài chính tương ứng cho các DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, bà Thạch Anh cho rằng Nhà nước vẫn cần có những chính sách khuyến khích, chứng nhận, cấp giấy phép cho các nhà đầu tư. Xây dựng các sàn giao dịch đầu tư mạo hiểm cũng như tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động này để tạo động lực thêm cho DN khởi nghiệp.

Ông Vũ Anh Tuấn, Chủ tịch Câu lạc bộ Ươm tạo DN TP. Hồ Chí Minh (HiN) - cho biết: Trong thời gian qua chúng tôi đã nhận được hơn 100 ý tưởng sau khi phân tích sàng lọc đã chuyển sang Sở KHCN tài trợ vốn ban đầu cho 14 dự án với gần 20 tỷ đồng. Chúng tôi khuyến khích các ý tưởng có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống như giảm thiểu kẹt xe, …Về vốn, các DN công nghệ startup trong 1-2 năm đầu cũng không cần quá nhiều vốn khoảng từ vài trăm triệu đến 2 tỷ đồng. Mục đích của nhà nước nhằm hỗ trợ bước đầu cho các DN biến ý tưởng thành hiện thực, sau đó kêu gọi vốn đầu tư tư nhân, các quỹ đầu tư để phát triển và mở rộng. Khi DN đủ vững nhà nước sẽ rút vốn để tái đầu tư cho các DN mới có điều kiện khởi nghiệp.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan