Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết tiếp tục được Bộ Tài chính lấy ý kiến.

Chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được khuyến khích áp dụng ở mức 28-30% tổng thu nhập trước thuế của doanh nghiệp.

Chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được khuyến khích áp dụng ở mức 28-30% tổng thu nhập trước thuế của doanh nghiệp.

Quốc tế áp trần lãi vay như thế nào?

Các nước hiện đang áp dụng nhiều cơ chế khác nhau về việc khống chế chi phí lãi vay nhưng có thể thấy một điểm chung là điều khoản này được áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp có giao dịch liên kết liên quan đến lãi vay.

Theo Luật Thuế của Trung Quốc, lãi vay thực trả cho các bên liên kết không được trừ nếu tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu vượt quá 5:1 đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính và 2:1 đối với các doanh nghiệp khác.

Luật Thuế Hàn Quốc quy định, nếu công ty trong nước vay vốn của nhà đầu tư ở nước ngoài hoặc từ bên thứ ba dưới hình thức bảo lãnh thanh toán của nhà đầu tư ở nước ngoài và số tiền vay đó vượt quá 2 lần số vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, thì chi phí lãi vay tương ứng với số vốn vay vượt quá sẽ bị loại trừ khỏi chi phí được khấu trừ của công ty trong nước.

Malaysia quy định, chi phí lãi vay phát sinh với bên liên kết trong các giao dịch xuyên biên giới bị khống chế ở mức 20% chi phí lãi vay, chi phí khấu hao (EBITDA) khi được tính thuế.

Còn Indonesia quy định, tỷ lệ vốn vay trên vốn góp chủ sở hữu cho tất cả các doanh nghiệp là 4:1 (chi phí lãi vay của phần vốn vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp).

Trong khi đó, Nhật Bản quy định, chi phí lãi vay phát sinh với bên liên kết không được vượt quá 50% thu nhập chịu thuế…

Bài học nào cho Việt Nam?

Kết quả khảo sát báo cáo tài chính năm 2016 – 2017 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy nhiều doanh nghiệp uy tín của Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp bất động sản, đã có chi phí lãi vay vượt ngưỡng 20% rất sâu. Ví dụ Hoàng Anh Gia Lai (52%), Vingroup (21%), Thủ Đức House (24%), Novaland (28%)…

Như đã nói, mỗi nước trên thế giới, tùy vào tình hình của mỗi quốc gia sẽ có cách áp trần lãi suất khác nhau.

Tuy nhiên, với quốc gia đang phát triển thì phần lớn các nước này khống chế chi phí lãi vay ở mức 30%. Ví dụ, tại ASEAN, Indonesia cũng đang dự kiến tỷ lệ này ở mức 30%.

Hơn nữa, thông lệ quốc tế cũng cho thấy, việc áp dụng trần chi phí lãi vay được xem là một trong những giải pháp chống chuyển giá ở các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi triển khai tại Việt Nam, nên tham khảo các kinh nghiệm thế giới, có lộ trình, cân nhắc đối tượng và thời gian áp dụng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Do đó, Việt Nam nên tiếp tục nghiên cứu, tham khảo các nước bạn các quy định và thông lệ quốc tế, khảo sát đánh giá mô hình hoạt động, thực trạng cơ cấu vốn, chu kỳ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 20/2017/NĐ-CP để vừa chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận theo khuyến nghị của OECD, đồng thời phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp cả trong và ngoài nước huy động vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguồn: https://enternews.vn/ap-tran-chi-phi-lai-vay-ky-i-i-kinh-nghiem-quoc-te-va-bai-hoc-cho-viet-nam-166198.html