“Ai” thao túng quỹ nhà tái định cư?

Nội dung bài viết

Thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội cuối năm nhộn nhịp việc mua đi bán lại các căn hộ tái định cư (TĐC) như chưa hề… bị cấm.

Việc “buôn bán” suất TĐC không chỉ có các “cò” nghiệp dư mà ngay cả sàn giao dịch BĐS cũng ráo riết săn lùng. Điều đáng bàn là tại nhiều dự án TĐC “tiềm năng” dù mới lên danh sách hộ dân được mua nhà nhưng các sàn BĐS không hiểu lấy nguồn từ đâu đã nắm bắt thông tin, mua lại giá rẻ rồi bán đi với giá tương đương một căn hộ thương mại để kiếm lời.

Yên tâm vì có “mối”

Nằm ngay trên mặt đường Lê Đức Thọ (Cầu Giấy), gần điểm giao cắt với đường Hồ Tùng Mậu, dự án chung cư TĐC N01 – N02 Tây Nam Đại học Thương mại của Ban quản lý Sở Xây dựng Hà Nội đang được đánh giá là khu vực lý tưởng cho các hộ dân nằm trong diện GPMB tuyến đường nối từ Bảo tàng Dân tộc học với đường 32, cầu vượt đường Bưởi chuyển về. Tuy nhiên, đó là trên… lý thuyết.


Tòa nhà dự án tái định cư Tây Nam Đại học Thương mại. Ảnh: Vân Hằng

Qua quá trình điều tra, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã được nhân viên tên H., tự xưng là Giám đốc Sàn BĐS Hải Phong đang rao bán các suất TĐC ở khu Tây Nam Đại học Thương mại tư vấn: “Về nguyên tắc, việc mua bán các căn hộ TĐC tại 2 tòa N01, N02 chưa thể diễn ra do các hộ dân chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng. Chủ nhà và chị phải “lách” luật, thực hiện mua – bán dưới hình thức ủy quyền định đoạt công chứng để chị toàn quyền sử dụng căn hộ, thay họ tiến hành các thủ tục giao dịch pháp lý về sau”.

Sau khi phóng viên đưa ra quyết định lựa chọn căn hộ 1104 – N01 tòa 7A có diện tích 69,2m2, H. tiếp tục dẫn phóng viên đến gặp đại diện pháp lý của Sàn tên K.A để giải thích tường tận quy trình làm thủ tục giấy tờ. K.A cho hay: “Căn 1104 có giá 26 triệu đồng/m2, tức hơn 1,8 tỷ đồng/căn. Nếu chị ưng ý, đặt cọc 100 triệu đồng để giữ chỗ. Sau đó, người sở hữu suất TĐC sẽ làm hợp đồng ủy quyền định đoạt cho chị đi công chứng rồi thanh toán tiền chênh 700 triệu đồng cho họ. Tiếp theo, chị mang toàn bộ giấy tờ đến Sở Xây dựng thanh toán tiền gốc 1,1 tỷ đồng còn lại trên hợp đồng mua bán. Trong vòng 6 ngày, Sở Xây dựng gửi lại cho chị hợp đồng mua bán cùng các giấy tờ liên quan để nhận bàn giao nhà. Khi hoàn tất toàn bộ giấy tờ, bên em sẽ nhận làm sổ đỏ với phí dịch vụ là 15 triệu đồng, sau 3 tháng sẽ có sổ”. Thấy phóng viên lo lắng do không thể vào thẳng tên sở hữu căn hộ mà phải làm thủ tục sang tên trên sổ đỏ trong khi quá trình chờ sổ lại kéo dài, rắc rối, K.A thản nhiên: “Bao nhiêu hộ đều “thông suốt” hết, chị không phải lo, sau 3 tháng chắc chắn có sổ”.

Phóng viên đưa ra nguyện vọng muốn thanh toán tiền thành 2 đợt: Đợt 1 khi làm hợp đồng ủy quyền và đợt 2 khi nhận sổ đỏ, thì H. không đồng ý và khẳng định: “Tất cả khách hàng đều phải thanh toán một lần mới được nhận bàn giao nhà và làm sổ. Chị yên tâm, bên em làm việc đều có “mối” ở trên hết. Không chỉ riêng căn chị chọn mà bất cứ căn nào trong dự án này, sàn em đều được “mối” cung cấp đầy đủ thông tin để tác động làm nhanh thủ tục, giấy tờ (!?). Hoặc chị có thể lựa chọn các suất TĐC khác có giá rẻ hơn như khu căn hộ chung cư TĐC Vĩnh Hoàng, nhà ở TĐC điểm X1, lô OCT1 khu đô thị mới Bắc Linh Đàm, khu TĐC X2 214 Nguyễn Xiển…, bên sàn em đều có “mối” đảm bảo quy trình thông suốt”.

Có dấu hiệu kinh doanh hóa?

Vì sao các sàn BĐS dám nhận có “mối” với cơ quan chức năng để tiến hành mua, bán trái luật? Việc văn phòng công chứng xác thực cho những hợp đồng mua – bán ủy quyền định đoạt này được xem là hợp lệ hay không hợp lệ? Có hay không những khuất tất trong việc quản lý quỹ nhà TĐC từ khâu trên? Bao nhiêu suất nhà TĐC đã được giao dịch theo hình thức dịch vụ? Đây là những câu hỏi cần được các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng làm sáng tỏ để rộng đường cho dư luận.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho biết: “Việc các sàn nhận có “mối” từ các chủ đầu tư là hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là một hình thức “kinh doanh hóa” vì họ nhận thấy có lợi nhuận. Từ khe hở người TĐC có nhu cầu bán, còn có những người không thuộc diện TĐC có nhu cầu mua thì các đơn vị sàn và chủ đầu tư nắm bắt luật cung – cầu. Từ đó, có thể xảy ra trường hợp Ban quản lý “tuồn” các thông tin để sàn đứng giữa thu gom, hay có những cách ép người TĐC bán “lúa non”. Ví dụ một suất TĐC đó có giá là 300 triệu đồng thì họ sẵn sàng mua 800 triệu đồng rồi bán lại cho những người khác với khoản chênh lệch 500 – 600 triệu đồng thu lời. Hoạt động này chính là một hình thức dịch vụ, kinh doanh hóa suất TĐC. Nguyên tắc là bao giờ có quyền lợi, có khe hở trong kinh doanh thì luôn có những miếng ngon, từ đó lợi dụng để hưởng lợi trong quỹ nhà TĐC là đương nhiên”.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, Luật Nhà ở năm 2014, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015 đã quy định tại Khoản 9 Điều 6, mọi trường hợp thực hiện các giao dịch về nhà ở, trong đó có nhà ở TĐC mà không đúng quy định của Luật này thì đều bị cấm. Do vậy, bản thân hành vi mua bán suất TĐC là một hành vi bị cấm. Mọi hình thức thể hiện cho hành vi này như hợp đồng mua bán viết tay, hay hợp đồng ủy quyền có công chứng, chứng thực, đều là trái pháp luật: “Tôi không rõ văn bản ủy quyền đem đi công chứng ở đây nội dung thể hiện như thế nào, nhưng nếu để che giấu một hành vi bị pháp luật cấm thì bản thân văn bản đó cũng trái pháp luật và vô hiệu”.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận định: “Có thực trạng các “đầu nậu” chuyên đứng ra thu mua những suất TĐC với giá rẻ rồi bán giá cao hơn cho những người có nhu cầu. Ở đây có thể có sự hỗ trợ nhịp nhàng đôi bên cùng có lợi giữa các đầu nậu này với Ban quản lý dự án. Một bên có nhiệm vụ cung cấp thông tin của khách hàng, bên còn lại theo đầu mối thông tin đó để thu mua lại suất TĐC. Như vậy về gốc vẫn là nhà TĐC được phân phối cho người diện TĐC nhưng chủ yếu lại là những người diện ngoài vào ở, lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước”.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan